EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam

Vietnam Advance - 09/07/2020

Cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này.

Được coi là đòn bẩy cho tăng trưởng, EVFTA mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập vào thị trường đầy tiềm năng với 508 triệu dân và tổng sản phẩm nội địa (GDP) khoảng 18.000 tỷ USD.

EU là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2019 đạt 56,39 tỷ USD (trong đó xuất khẩu đạt 41,48 tỷ USD, nhập khẩu đạt 14,91 tỷ USD). Đặc điểm nổi bật trong cơ cấu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU là tính bổ sung rất lớn, ít mang tính cạnh tranh đối đầu trực tiếp.

Theo đánh giá của ông Hà Duy Tùng, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính), từ khoảng những năm 90 đến nay, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt FTA, độ mở của nền kinh tế rất lớn. Với EVFTA, EU sẽ là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam và thị trường này sẽ xóa bỏ đến hơn 85% số dòng thuế ngay khi Hiệp định có hiệu lực.

EVFTA làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam - Ảnh 1.

Với EVFTA, EU sẽ là thị trường rất lớn cho các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam,

Ông Tùng nhận định, từ trước đến nay, chưa có một đối tác nào cam kết ở mức cao như trong EVFTA. Hầu hết các mặt hàng chủ lực xuất khẩu của Việt Nam như da giày, dệt may... lộ trình xóa bỏ thuế quan trong vòng 7 năm với mức xóa bỏ dần hàng năm. Điều này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp có cơ hội tăng giá trị xuất khẩu. “Hiệp định này sẽ đem lại giá trị giá tăng về GDP cho nền kinh tế nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng cũng có nhiều cơ hội thúc đẩy xuất khẩu”, ông Tùng nói.

Chia sẻ những con số đong đếm cụ thể hơn, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, theo nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có Hiệp định. Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030.

Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18-3,25% (năm 2019-2023); 4,57-5,30% (năm 2024-2028) và 7,07-7,72% (năm 2029-2033).

Phân tích rõ hơn ở góc độ xuất khẩu, theo ông Khanh, mặc dù hiện tại EU là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại khu vực này vẫn còn rất khiêm tốn, bởi năng lực cạnh tranh của hàng Việt Nam (đặc biệt là năng lực cạnh tranh về giá) còn hạn chế.

Vì vậy, cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ trong Hiệp định EVFTA chắc chắn sẽ làm tăng khả năng cạnh tranh về giá của hàng hóa Việt Nam khi nhập khẩu vào thị trường quan trọng này, giúp thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - EU, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

Với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản (kể cả gạo, đường, mật ong, rau củ quả), đồ gỗ,... là rất đáng kể.

"Mức cam kết trong EVFTA có thể coi là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các FTA đã được ký kết cho tới nay. Điều này càng có ý nghĩa khi hiện nay, mới chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP)", ông Khanh nhấn mạnh.

Gia tăng thu hút FDI từ EU

Riêng ở góc độ thu hút đầu tư, ông Ngô Chung Khanh nhận định, môi trường đầu tư mở hơn và thuận lợi hơn, triển vọng xuất khẩu hấp dẫn hơn sẽ thu hút đầu tư FDI từ EU vào Việt Nam nhiều hơn.

Hàng loạt lĩnh vực EU có thế mạnh như dịch vụ, tài chính, ô tô, chế biến chế tạo, công nghệ thông tin, công nghệ cao, nông sản thực phẩm chế biến sẽ là những lĩnh vực EU đầu tư vào Việt Nam và đây cũng là những lĩnh vực mà Việt Nam cần đầu tư và phát triển toàn diện.

Dù vậy, lãnh đạo Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, nên thận trọng khi nhìn nhận vấn đề này bởi trước đây với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), đánh giá khi có hiệu lực sẽ làm tăng thu hút FDI nhưng sau một năm CPTPP có hiệu lực, tổng kết lại cho thấy thu hút đầu tư theo chiều giảm xuống.

"Việt Nam đang trong tâm thế “đón đại bàng làm tổ” nhưng đón được hay không, lan tỏa đầu tư đến đâu thì khó đưa ra nhận định chắc chắn. Tuy nhiên, tôi cảm nhận với EVFTA thu hút đầu tư sẽ tăng, khác với CPTPP", ông Khanh nhận định.

Liên quan tới vấn đề tăng thu hút FDI từ EU, ông Nguyễn Hải Minh, Phó Chủ tịch EuroCham cũng cho rằng, đầu tư FDI sẽ tăng hơn nhưng không diễn ra xu thế dịch chuyển thật nhanh, nhất là trong khối doanh nghiệp EU.

“Qua tiếp xúc tới cộng đồng doanh nghiệp lớn của EU đang hiện diện và chưa hiện diện tại Việt Nam, điều nhận thấy là họ đang tìm hiểu, nắm bắt xu hướng dịch chuyển, chỉ là họ sẽ lựa chọn điểm đến nào thôi. Trong ASEAN, họ sẽ cân nhắc Việt Nam, Indonesia, Thái Lan..., hoặc ngoài ASEAN là Ấn Độ. Có thể nói Việt Nam đang là mục tiêu lựa chọn hàng đầu nhưng dịch chuyển đầu tư sẽ mất thời gian", ông Minh lưu ý./.

 

090 626 5775
avatar
Xin chào
close nav
Tất cả danh mục